Mùa xuân đến cùng Quảng Trị

Đăng lúc: Thứ năm - 12/03/2015 23:06 - Người đăng bài viết: admin
BBT: Trong 02 ngày 9 và 10 tháng 3 năm 2015, Đoàn cán bộ Cơ quan Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình đã có chuyến công tác tại tỉnh Quảng Trị. Chuyến đi đã để lại nhiều ấn tượng và tình cảm tốt đẹp trong mỗi một thành viên của Đoàn.
Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình - Quảng Trị chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm

Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình - Quảng Trị chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm

         Sau Tết Ất Mùi 2015, lãnh đạo cơ quan và Công đoàn Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Bình tổ chức chuyến đi công tác tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị với sự tham gia của toàn thể cán bộ, nhân viên cơ quan. Hoàn tất công tác chuẩn bị, sáng ngày 9/3/2015, đoàn chúng tôi rời Đồng Hới, hướng về phương nam trong niềm vui và háo hức. Vui bởi các cấp Hội trong toàn tỉnh vừa tổ chức thành công phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” xuân Ất Mùi 2015 với 13.746 suất quà trị giá 3.781.000.000 đồng. Háo hức bởi chúng tôi có chương trình phối hợp hoạt động với Hội CTĐ Quảng Trị - đơn vị gần gũi, gắn bó với tỉnh Hội Quảng Bình trong nhiều năm qua và háo hức bởi  lộ trình chuyến đi sẽ đến với Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, Thành Cổ Quảng Trị - những địa danh mà tên gọi luôn âm vang trong chúng tôi nỗi đau xót, sự thiêng liêng, thành kính, tự hào.
       Xe bon nhanh trên  đường Hồ Chí Minh, trong sắc xuân của những triền đồi xanh điểm xuyết màu hoa và lộc biếc. Đi trên con đường thêng thang giữa đồi núi chập chùng, đi qua cầu Long Đại, dốc Năm Cô, dốc Ba Cô ... chúng tôi không khỏi ngậm ngùi nghĩ về một thời đau thương, oanh liệt khi cả miền Bắc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Làm sao có thể quên con đường mòn Hồ Chí Minh bom cày đạn xới, con đường mòn xuyên qua rừng sâu vực thẳm ? Làm sao có thể quên những bàn chân mang dép lốp đi qua cheo leo vách đá, những bàn tay xẻ núi mở đường? Ngày ấy, những đoàn quân trùng điệp, những đoàn xe phủ đầy lá ngụy trang đã qua đây. Vẫn còn đâu đây những khuôn mặt lấm lem bùn đất, khói đạn, những nụ cười rạng rỡ, những cánh tay vẫy chào ... Họ còn trẻ lắm, phơi phới tuổi thanh xuân. Mang cảm xúc ấy, chúng tôi đến Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn là một trong 72 nghĩa trang liệt sỹ của tỉnh Quảng Trị, tọa lạc trên những vạt đồi tại Bến Tắt thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của  10.236  chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất, có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước. Ở cổng có 6 bức phù điêu được chạm khắc bằng đá ghi lại hình ảnh các binh chủng của bộ đội Trường Sơn. Giữa sân có Đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghi, rỗng ruột và khuyết ba mặt. Phía sau tượng đài có một cây bồ đề thiêng tự mọc. Quanh tượng đài là các khu mộ liệt sĩ, được tập trung theo tỉnh, thành phố, mỗi khu gồm các mộ liệt sĩ của một tới ba tỉnh. Nằm về phía trái của tượng đài Tổ quốc ghi công là khu mộ liệt sĩ vô danh với 68 ngôi. Từ khu tưởng niệm nhìn ra phía trước là hồ nước. Nghĩa trang nằm ở vào thế “địa linh” với đồi, núi, sông suối bao quanh. Trong Nghĩa trang còn có Đại Hồng chung đặt tại tháp chuông do các tổ chức và cá nhân phát nguyện đúc và hiến cúng. Trên thân chuông có khắc lời đề từ của Giáo sư Anh hùng Lao động Vũ Khiêu:
          Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ
          Dạt dào Đông Hải khí anh linh
          Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí
          Muôn dặm non song nặng nghĩa tình.
          Chúng tôi thành kính thắp hương tại Đài tưởng niệm. Đồng chí Cao Quang Cảnh - Chủ tịch tỉnh Hội, trưởng đoàn - đã thay mặt cho tập thể cán bộ nhân viên cơ quan nguyện cầu trước anh linh liệt sỹ cho quốc thái dân an, cầu mong linh hồn các liệt sỹ được siêu thoát và yên giấc ngàn thu. Khu mộ của 142 liệt sỹ quê Quảng Bình nằm bên phải Đài tưởng niệm. Chúng tôi kính cẩn thắp nhang lên từng ngôi mộ, những mong mang hơi ấm tình quê đến với linh hồn các anh các chị. Trong quang cảnh u tịch, tiếng gió đại ngàn, tiếng thì thầm của rừng thông, khe suối, vẻ trầm tư của cây bồ đề to lớn như đang kể cho chúng tôi nghe những trận đánh bi hùng, những câu chuyện về tình bạn, tình yêu thời trận mạc ...
          Từ Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn đến Thành Cổ Quảng Trị, xe chúng tôi đi qua những địa danh lịch sử như đường 9, cầu Lai Phước, sông Thạch Hãn ... Mỗi một địa danh là một khúc tráng ca, mỗi một tấc đất nơi đây đều thấm đẫm máu các anh hùng liệt sỹ.  Thành Cổ Quảng Trị đây rồi. Đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là bức tường rêu phong lổ chổ vết đạn bom - dấu tích còn sót lại của cuộc chiến khốc liệt năm nào. Bài hát “Cỏ non Thành Cổ” đưa chân chúng tôi vào trong thành, nơi yên nghỉ của hàng ngàn liệt sỹ. Thành Cổ Quảng Trị là một tòa thành nằm bên dòng sông Thạch Hãn, là một trong những di tích Quốc gia đặc biệt. Ngày 2/5/1972 thị xã Quảng Trị được giải phóng. Thắng lợi đó đã làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường, đẩy chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ đến bờ vực phá sản, tạo đà và thế cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam. Để mất Quảng Trị, Mĩ - nguỵ  điên cuồng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị với mật danh “Lam Sơn 72”. Trong đó mục tiêu số 1 là phải chiếm được Thành Cổ Quảng Trị. Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm từ 28/6 đến 16/9 được ví như một túi bom. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo.
            Việc giữ Thành Cổ Quảng Trị có ý nghĩa quyết định trên bàn đàm phán Hội nghị Pa ri mặc dù cái giá phải trả cho sự kiện này khá đắt, lực lượng ta bị hao hụt thương vong khá nhiều. Trong 81 ngày đêm đó, hàng ngàn chiến sĩ đã hy sinh tại đây chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát. Chính vì vậy mà ngày nay tại trung tâm di tích này người ta xây đài tưởng niệm hình thành ngôi mộ chung cho hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống trong 81 ngày đêm khốc liệt này.
          Đài tưởng niệm được mô hình hoá thành nấm mộ chung với 81 bậc thang đi lên, có 81 bức phù điêu tượng trưng cho 81 ngày đêm lịch sử. Sau khi dâng hoa, thắp hương, đoàn chúng tôi vào giữa lòng Đài tưởng niệm. Cô hướng dẫn viên du lịch bằng chất giọng truyền cảm đã mô tả cho chúng tôi hiểu về ý nghĩa của ngôi mộ tập thể này. Chúng tôi đã không cầm được nước mắt khi đứng trước hành trang người lính:  một chiếc mũ tai bèo, một đôi dép cao su, một bi đông nước, một khẩu súng AK và một chiếc ba lô. Tôi chợt nhớ đến lời thơ của nhà thơ Tố Hữu:
          “Ôi chiếc mũ tai bèo,
          Dễ thương như một nhành hoa nhỏ
          Chẳng làm đau một chiếc lá trên cành
          Sáng trên đầu như một mảnh trời xanh
          Mà xông xáo, mà tung hoành ngang dọc
          Mạnh hơn tất cả đạn bom
          Làm run sợ cả Lầu Năm góc”
          Tại nhà Bảo tàng Thành Cổ, chúng tôi thực sự xúc động trước những tấm ảnh mà các phóng viên chiến trường lúc đó ghi lại. Nụ cười thách thức bom đạn của các chiến sỹ, của cha con ông ngư dân Triệu Phong khi đưa bộ đội qua sông đã  mãi rạng rỡ cùng thời gian. Rồi hình ảnh hoang tàn đổ nát sau trận đánh, hình ảnh anh bộ đội trẻ măng dù bị thương vẫn kiên cường bám trụ, hình ảnh bộ đội, dân làng tiếp tế lương thực, đạn dược ... Đặc biệt xúc động khi chúng tôi đứng trước những bức di thư thiêng liêng được tìm thấy từ trong lòng đất. Đó là bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, sinh viên năm thứ tư khoa Xây dựng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Bức thư gửi cho những người thân yêu được viết vào ngày thứ 77 của cuộc chiến và đã được tìm thấy ngày 22/10/2002. Thư của liệt sỹ Lê Binh Chủng và vợ là chị Lê Thị Biển Khơi - một mối tình thời chiến lãng mạn, bi thương. Đó chỉ là 2 trong số hàng ngàn vạn lá thư mà người lính Thành Cổ Quảng Trị chưa kịp gửi đi trước trận đánh cuối cùng. Những lá thư không chỉ gửi cho người thân của họ mà gửi cho những người đang sống hôm nay và mai sau.
          Ngắm nhìn những hàng cây, lối cỏ, lòng chúng tôi trào dâng nỗi đau thương. Chúng tôi đang đi trên mảnh đất này, mảnh đất hòa tan máu thịt của các anh. Xin được mượn lời thơ của cựu chiến binh Phạm Đình Lân để nói hộ lòng mình:
          “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
          Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
          Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
          Dẫu ồn ào đừng lay động hàng cây...
          Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
          Thành Cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
          Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
          Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào”.
          Đến Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn, đến Thành Cổ Quảng Trị, chúng tôi mới thấy hết sự vĩ đại, thiêng liêng của cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, càng biết ơn hơn sự hy sinh to lớn của những người con đất Việt đã hy sinh cho chiến thắng, cho cuộc sống hòa bình hôm nay.
          Việc tổ chức cho cán bộ nhân viên cơ quan đi viếng thăm Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và Thành Cổ Quảng Trị của lãnh đạo cơ quan và Công đoàn là việc làm có ý nghĩa. Bởi giữa thời bình, khi cơ chế thị trường sôi động đã làm thay đổi nhiều về cuộc sống, nhận thức, mỗi con người dường như ít nhìn lại phía sau, ít nhớ về lịch sử thì việc ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc là một nét đẹp không thể thiếu. Khi đứng trước anh linh các liệt sỹ, khi đặt chân lên mảnh đất từng là trận địa ác liệt vùi chôn hàng ngàn sinh mệnh trẻ trung, tài hoa, dũng cảm, mỗi người mới thấy hết giá trị của cuộc sống hôm nay, mới hiểu hết sự tầm thường của những tính toán, bon chen, ...
          Chiều 9/3, đoàn chúng tôi đến trụ sở Hội CTĐ tỉnh Quảng Trị. Cán bộ tỉnh Hội đón tiếp chúng tôi bằng không khí của một gia đình đón chờ người thân. Trước đó, đồng chí Cao Quang Cảnh đã cho chúng tôi biết những nét tương đồng trong hoạt động chuyên môn và mối quan hệ gắn bó giữa hai tỉnh Hội. Đồng chí Cao Quang Cảnh và đồng chí Cáp Kim Liêm (Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Quảng Trị) gặp nhau như đôi tri kỷ. Tại đây, Hội CTĐ hai tỉnh đã trao đổi kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức các hoạt động nhân đạo và thống nhất ký kết Chương trình phối hợp về công tác Hội và phong trào CTĐ giai đoạn 2015-2020. Tối hôm đó, tại khách sạn Mê Kông, buổi giao lưu văn nghệ diễn ra trong không khí vui vẻ, ấm áp tình thân. Những bài hát về Bình Trị Thiên, về quê hương Quảng Trị, Quảng Bình do cán bộ hai cơ quan thể hiện càng đậm đà cảm xúc. Thật đúng là:
                    Quảng Bình, Quảng Trị nghĩa tình
                    Hội Chữ thập đỏ chúng mình keo sơn.
 Chủ tịch Hội hai tỉnh ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2015 - 2020
         Chủ tịch Hội hai tỉnh ký kết Chương trình phối hợp giai đoạn 2015 - 2020
          Xuân mênh mang trên mọi miền quê, xuân mênh mang trong lòng người.
          Dư âm của chuyến công tác, giao lưu và ý nghĩa giáo dục của nó chắc chắn sẽ  góp phần nâng cao nhận thức của chúng tôi, tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình./.
 
                                                          Bài: Trân Huyền; Ảnh: Mậu Thường
                                                          (Văn phòng Hội CTĐ Quảng Bình) 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Văn bản mới ban hành

Thông báo mới

Hình ảnh hoạt động

Gửi bài viết
Trang TTĐT tỉnh Quảng Trị
facebook
Công báo tỉnh Quảng Trị
Báo Nhân đạo và Đời sống
WebsiteTW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Tết Vì người nghèo và NNCĐ da cam
Dự án Bom mìn
Mag

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 153
  • Hôm nay: 43085
  • Tháng hiện tại: 678296
  • Tổng lượt truy cập: 33956117

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Liên tục được cải tiến, sửa đổi bởi cả thế giới.

Được sử dụng miễn phí không mất tiền.

Được tự do khám phá, sửa đổi theo ý thích.

Phù hợp để học tập, nghiên cứu vì được tự do sửa đổi theo ý thích.

Có bao nhiêu phương án trả lời giống bạn?