Người ươm mầm thiện

Đăng lúc: Thứ hai - 04/01/2016 00:37 - Người đăng bài viết: admin
Năm 2006, khi nghe tin ông Nguyễn Ngọc Soái phải tức tốc nhập viện vì bị tai biến mạch máu não, nhiều người dân huyện Đakrông (Quảng Trị) đứng ngồi không yên. Cùng với những việc làm thiện tâm, từ lâu, hình ảnh ông Soái đã in dấu trong lòng mọi người. Vì thế, ai cũng vui mừng khi thấy ông Soái trở về sau những ngày dài điều trị và tiếp tục cống hiến cho phong trào Hội Chữ thập đỏ huyện.
Cách đây hơn 20 năm, mặc bao lời can ngăn, chàng trai gốc Vĩnh Linh – Nguyễn Ngọc Soái đặt chân lên huyện miền núi Đakrông làm việc với suy nghĩ: “Nơi nào khó, ở đó người dân mới cần mình”. Bấy giờ, tuy đã chuẩn bị tinh thần từ trước nhưng ông Soái vẫn chạnh lòng khi sống ở vùng đất hễ mở mắt là thấy núi đồi, lau lách. Chính hình ảnh những người dân đời sống còn nghèo khó đã níu chân và thúc giục ông Soái cùng các cán bộ địa phương đặt nền móng cho phong trào Hội Chữ thập đỏ huyện. 
 
Dẫu sức khỏe có chiều hướng đi xuống, ông Soái vẫn miệt mài cống hiến
Buổi đầu, ông Soái cùng cán bộ địa phương rong ruổi khắp các bản làng để tìm hiểu đời sống của nhân dân, vận động bà con tham gia phong trào. Đôi chân chàng trai miền xuôi sưng tấy, tứa máu rồi chai sần như đá núi sau những chuyến công tác dài ngày. “Đồng bào hỏi tôi: “Hội Chữ thập đỏ là gì” – Tôi bảo: “Là tổ chức nhân đạo, thành lập để giúp bà con có cuộc sống tốt đẹp hơn”. Họ lại cật vấn: “Vào hội có lợi gì?” – Tôi trả lời ngay: “Vào hội là để giúp đỡ mọi người. Giúp người cũng chính là giúp mình”. Nghe thế, bà con đều gật đầu xin tham gia. Đến nay, toàn huyện có 14/14 xã, thị trấn thành lập tổ chức hội cơ sở với 124 chi hội. Tổng số hội viên của chúng tôi lên đến 1.680 người, đa phần là đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô”, ông Soái vui vẻ cho biết. 

Gắn bó với công tác Hội Chữ thập đỏ ở huyện nghèo, ông Nguyễn Ngọc Soái luôn trăn trở với mọi hoạt động, phong trào. Trước kia, người dân huyện Đakrông nghĩ, thiên tai là sự nổi giận của Giàng, không ai phòng tránh được. Để người dân thay đổi quan niệm cố hữu ấy, ông Soái cùng các cán bộ hội về từng bản vận động bà con xây dựng kế hoạch phòng chống lụt bão; khuyên nhủ các hộ dân rời khỏi khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ, sạt lở đất; ứng cứu những trường hợp khẩn cấp… Trong trận bão lịch sử năm 2009, các ông đã vận động hàng trăm hộ dân ở vùng Ba Lòng, Hải Phúc di dời, sơ tán. Mong muốn người dân đặt lòng tin vào bác sĩ thay vì thầy mo, ông Nguyễn Ngọc Soái cùng cán bộ Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn chủ động phối hợp với ngành Y tế tuyên truyền cho bà con về các chương trình y tế quốc gia; phòng chống dịch, tệ nạn xã hội; tổ chức đoàn khám chữa bệnh nhân đạo… Đặc biệt, ông Soái chính là một trong những người giúp dân bản không còn thờ ơ với việc hiến máu tình nguyện. Nhờ kiên trì vận động theo nguyên tắc “mưa dầm, thấm lâu”, ông đã góp phần đẩy lùi quan niệm cũ: “Máu là do Giàng ban tặng để giữ cho con người khỏe mạnh. Vì thế, không được hiến cho bất cứ ai”. 

Ở huyện Đakrông, ông Nguyễn Ngọc Soái được trìu mến gọi là “mạnh thường quân của người nghèo”. Một số người khi nghe cái tên này rất ngạc nhiên bởi gia đình ông Soái không thuộc vào diện khá giả. Thực ra, để giúp mọi người, bản thân ông Soái phải gom góp, dành dụm những thứ nhỏ nhất như: áo quần cũ, cây con giống, lon gạo… Bao giờ cũng vậy, với quan niệm “của cho không bằng cách cho”, ông thường tự mình đến tận nơi để trao quà, động viên, khuyên bảo bà con vượt qua gian khó. Không những thế, vị “mạnh thường quân của người nghèo” này còn là chiếc cầu nối bền bỉ giữa các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm với những hộ đặc biệt khó khăn. Trong 5 năm qua, ông và các cán bộ Hội Chữ thập đỏ trên địa bàn đã vận động hỗ trợcho trên 15.000 lượt người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bị thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn rủi ro trị giá gần 7 tỷ đồng. Ông Soái bộc bạch: “Nhìn bà con vui sướng nhận những món quà nhỏ, nhiều lúc mình ứa nước mắt. Thực ra, một manh áo lành lặn, gói mì ăn liền… cũng khiến bà con ấm lòng rồi”. 

Nhiều người từng nghĩ ông Soái khó lòng trở lại với những hoạt động, phong trào Hội Chữ thập đỏ sau khi vất vả vượt qua căn bệnh tai biến mạch máu não. Thế nhưng, điều đáng ngạc nhiên là suốt 9 năm nay ông Soái vẫn một lòng gắn bó và tận tâm, tận lực với công việc dẫu chân yếu hơn, mắt có phần mờ đi. Biết sức mình không còn như xưa, ông luôn nhắc nhủ bản thân phải cố gắng gấp đôi. Ít ai biết trong những ngày dài điều trị ở bệnh viện, giữa ranh giới của sự sống và cái chết, ông Soái vẫn đau đáu ước mong được trở về tham gia hoạt động Hội Chữ thập đỏ để có điều kiện giúp đỡ mọi người. Cũng chính suy nghĩ ấy đã tiếp sức, giúp ông mạnh mẽ hơn trong chuỗi ngày tập làm những việc tưởng chừng giản đơn mà lại rất khó đối với một người bị tai biến như: đi lại, đánh máy vi tính, lái xe, soạn thảo văn bản… Lâu nay, vị Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ ở huyện nghèo luôn tâm niệm: “Còn sức thì còn cống hiến”. 
 

Nguồn tin: Báo Quảng Tri
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Văn bản mới ban hành

Thông báo mới

Hình ảnh hoạt động

Gửi bài viết
Trang TTĐT tỉnh Quảng Trị
facebook
Công báo tỉnh Quảng Trị
Báo Nhân đạo và Đời sống
WebsiteTW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Tết Vì người nghèo và NNCĐ da cam
Dự án Bom mìn
Mag

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 150
  • Khách viếng thăm: 149
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 40510
  • Tháng hiện tại: 703071
  • Tổng lượt truy cập: 33980892

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Liên tục được cải tiến, sửa đổi bởi cả thế giới.

Được sử dụng miễn phí không mất tiền.

Được tự do khám phá, sửa đổi theo ý thích.

Phù hợp để học tập, nghiên cứu vì được tự do sửa đổi theo ý thích.

Có bao nhiêu phương án trả lời giống bạn?