Ông Liêm “Chữ thập đỏ”

Đăng lúc: Thứ năm - 24/11/2016 05:03 - Người đăng bài viết: admin
Ngay từ thời còn là học sinh, chỉ sau một lần đọc cuốn sách tìm hiểu về tổ chức Hội Hồng Thập tự, ông đã thấy cảm mến và bắt đầu dấn thân với công tác thiện nguyện giúp người yếu thế. Thấm thoắt đã hơn 35 năm trôi qua, ông vẫn miệt mài gắn bó với công việc thiện nguyện cao cả để giúp đời. Ông là Cáp Kim Liêm, nguyên Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị. Nhiều người yêu mến vẫn quen gọi ông là ông Liêm “Chữ thập đỏ”…
Ông Cáp Kim Liêm trao quà cho bà con vùng cao

Ông Cáp Kim Liêm trao quà cho bà con vùng cao

Về nghỉ hưu hơn một năm nay, nhưng đối với ông Liêm “Nghỉ công tác là do hết tuổi nhưng trái tim tôi vẫn luôn dành cho công tác Chữ thập đỏ, cho việc giúp người, giúp đời. Với tôi, chỉ khi nào sức khỏe không còn cho phép nữa, tôi mới dừng lại”. Ông Liêm trải lòng như vậy. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, bên tách trà ấm nóng, ông kể về cơ duyên đến với công tác Chữ thập đỏ của mình với tất cả sự bồi hồi lẫn niềm phấn chấn. Thấm thoắt 35 năm đã qua kể từ ngày chính thức bắt đầu với công tác Hội để giúp người, giúp đời nhưng đối với ông câu chuyện như chỉ mới hôm qua. Năm 1971, khi đang học lớp đệ lục (tương đương lớp 7 bây giờ), ông đã học bài The Red cross trong sách English For Today, và ông đã hiểu, cảm mến về Hội Hồng Thập tự. Năm 1972, ông bắt đầu tham gia các hoạt động tình nguyện tại phân bộ Hồng Thập tự Đà Nẵng, đặc biệt là vào thời điểm chiến sự Quảng Trị (Mùa hè đỏ lửa) xảy ra. Ông đã cùng anh chị em Hồng Thập tự hướng dẫn, phục vụ, tạo mọi thuận lợi để người dân Quảng Trị sơ tán vào Đà nẵng. Cũng từ đó, ông đã chuẩn bị cho sự dấn thân để hoạt động xã hội với tâm nguyện phục vụ nhân dân, nên ông đã theo học ngành y từ năm 1976-1978. Hoàn thành việc học, sau khi trở về xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng ông đã viết đơn xin phép UBND xã Hải Xuân thành lập tổ chức Hội Chữ thập đỏ cơ sở tại xã và Hội cũng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho địa phương trên các lĩnh vực phúc lợi xã hội như: hoạt động văn hóa văn nghệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu... Lúc bấy giờ, Chi hội Chữ thập đỏ xã (nay là Hội cơ sở) đã thay mặt cho các Chi hội trong tỉnh Bình Trị Thiên dự hội nghị Chi hội điển hình tiên tiến do Trung Hội tổ chức tại thành phố Nha Trang. Đến năm 1985, ông trở thành cán bộ Chữ thập đỏ huyện Triệu Hải, năm 1989, sau khi chia tách tỉnh Bình Trị Thiên, ông tham gia công tác Chữ thập đỏ tại tỉnh Hội Quảng Trị.

Ông kể, những ngày đầu tách tỉnh, không riêng gì Hội Chữ thập đỏ tỉnh mà các cơ quan, đơn vị khác cũng gặp vô vàn khó khăn. “Hồi đầu, trụ sở tỉnh Hội nằm nhờ ở trung tâm y tế huyện Triệu Hải, tài sản thì chẳng có gì, đến như bộ ly tách uống nước cũng chắp vá, sứt mẻ, về mặt con người cũng rất thiếu thốn. Cũng may lúc bấy giờ Hội Chữ thập đỏ của 4 huyện còn hoạt động tốt, nhờ vậy mới vượt qua mọi khó khăn ban đầu”, ông Liêm giải bày. Với bầu nhiệt huyết tuổi trẻ cùng một trái tim thiện nguyện luôn hướng về cộng đồng, ông cùng với các đồng nghiệp đã từng bước gây dựng tỉnh Hội ngày càng phát triển và thực hiện được nhiều phần việc đầy ý nghĩa.

Ông cũng là một trong những người được đào tạo cơ bản nhất về các lĩnh vực hoạt động Chữ thập đỏ từ tỉnh, cấp Trung ương, quốc tế. Là người gắn bó từ những ngày đầu trong công tác Chữ thập đỏ của tỉnh Quảng Trị, ông đã tạo được uy tín và niềm tin yêu từ bạn bè, đồng nghiệp và người dân. Bởi vậy, trong quá trình công tác, dù nhiều lần được Trung ương Hội, tổ chức NGO gửi lời mời về làm việc... nhưng ông vẫn từ chối. Bởi theo ông “Quảng Trị mình còn nghèo, người dân mình còn khổ nên tôi nguyện sẽ gắn bó suốt đời với mảnh đất quê hương. Bằng tất cả sức lực của mình, tôi muốn góp sức mình giúp đỡ, cải thiện phần nào cuộc sống của người dân nghèo, yếu thế của quê hương”. Trong quá trình công tác, bước chân ông đã in dấu hầu khắp các xã, thôn, bản trong tỉnh, chỉ duy nhất xã Vĩnh Ô của huyện Vĩnh Linh là ông chưa kịp đặt chân đến. Từ tình hình thực tiễn của địa phương, ông đã phát kiến nhiều phong trào, phần việc ý nghĩa như: Thành lập nhóm hỗ trợ cấp huyện, xây dựng các quỹ tương trợ, xây dựng nhà phòng chống bão lụt, các trung tâm phát triển cộng đồng... Ông cũng là người đã có sáng kiến thành lập danh sách người hiến máu tình nguyện, thử nhóm máu và quản lý nhóm máu. Ông cũng là người hiến máu tình nguyện đầu tiên của tỉnh nhà (ngày 21/7/1992), mở đầu cho Phong trào Hiến máu tình nguyện. Từ những nỗ lực gây dựng phong trào đó, mà đến nay tỉnh Quảng Trị trở thành một trong những địa phương có Phong trào Hiến máu tình nguyện mạnh của cả nước.

Với những đóng góp xứng đáng của mình, ông vinh dự là người đầu tiên  của Hội Chữ thập đỏ Quảng Trị nhận Huy Chương vì sự nghiệp nhân đạo (nay gọi là Kỷ niệm chương) nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Ông là người trợ giúp đắc lực để tỉnh Hội thí điểm xây dựng nhiều mô hình như: Trung tâm phòng ngừa thảm họa tại các huyện trọng điểm thiên tai, chương trình giáo dục phòng chống thiên tai cho học sinh tiểu học, dự án quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng, chương trình phòng chống đại dịch mang tính nhân đạo, chương trình phòng ngừa tai nạn bom mìn, hợp tác song phương với Hội Chữ thập đỏ Hà Lan làm thí điểm dự án E5 nâng cao năng lực tỉnh Hội và phát triển cộng đồng... Năm 1993, ông vinh dự được làm Trưởng đoàn Thanh thiếu niên Chữ thập đỏ Việt Nam tham dự hội trại Thanh thiếu niên Chữ thập đỏ quốc tế tại Hàn Quốc. Ông cũng đã nhiều lần tham gia các đoàn công tác của Trung ương Hội tham dự các hội thảo quốc tế về hoạt động Chữ thập đỏ tại các nước trên thế giới như Thái Lan, Philippin, Indonesia... Kinh qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau trong tổ chức Hội, ngày 01/10/2009, ông Cáp Kim Liêm được tín nhiệm bầu vào chức vụ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị. Ông vẫn sôi nổi hoạt động cho đến ngày nghỉ hưu theo chế độ.

Từ ngày nghỉ hưu, ông trở về làm hội viên Hội Chữ thập đỏ xã Hải Xuân và vẫn hoạt động rất năng nổ. Cán bộ Hội, người dân vẫn thấy ông mặc chiếc áo đỏ đồng phục quen thuộc của Chữ thập đỏ để tham gia với tư cách là giảng viên tại các khóa tập huấn về “Phòng ngừa và Ứng phó thảm họa”, “Sơ cấp cứu” do các tổ chức Phi chính phủ mời. Ông tâm sự, thời gian này ông đang thuyết phục gia đình, vợ con để thực hiện một tâm nguyện mà ông luôn trăn trở. “Nếu vợ con vui vẻ chấp thuận, tôi sẽ hiến xác hoặc các tạng phủ mình cho y học sau khi mất. Đồng thời, khi tôi mất đi, tôi mong muốn được phủ lá cờ Chữ thập đỏ lên quan tài. Đó là ước nguyện cuối cùng tôi muốn hiến dâng cho đời, cho thỏa tâm nguyện một đời gắn bó với tổ chức Chữ thập đỏ mà tôi đã dấn thân theo đuổi”.   
 
Ly Na
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Văn bản mới ban hành

Thông báo mới

Hình ảnh hoạt động

Gửi bài viết
Trang TTĐT tỉnh Quảng Trị
facebook
Công báo tỉnh Quảng Trị
Báo Nhân đạo và Đời sống
WebsiteTW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Tết Vì người nghèo và NNCĐ da cam
Dự án Bom mìn
Mag

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 151
  • Khách viếng thăm: 150
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 30497
  • Tháng hiện tại: 487529
  • Tổng lượt truy cập: 33765350

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Liên tục được cải tiến, sửa đổi bởi cả thế giới.

Được sử dụng miễn phí không mất tiền.

Được tự do khám phá, sửa đổi theo ý thích.

Phù hợp để học tập, nghiên cứu vì được tự do sửa đổi theo ý thích.

Có bao nhiêu phương án trả lời giống bạn?