Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khẳng định vị thế trong phong trào nhân đạo khu vực và toàn cầu

Ngày 21/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị lần thứ 2 Ban chấp hành khoá XI, nhiệm kỳ 2022 – 2027.
 
Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Bùi Thị Hoà - Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhận định, năm 2022, công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân hưởng ứng và ủng hộ các phong trào và cuộc vận động nhân đạo.

Sau hai năm đại dịch Covid-19 các hoạt động sản xuất kinh doanh, văn hóa - xã hội của đất nước trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, tác động nhiều mặt đến kinh tế, chính trị, xã hội nhiều nước, tạo nên thảm họa nhân đạo cùng với rủi ro thiên tai, dịch bệnh hậu đại dịch… tác động trực tiếp, sâu sắc đến mọi mặt của đời sống xã hội của nhiều nước.
Trong bối cảnh đó, các cấp Hội trong cả nước đã tập trung tổ chức thành công Đại hội Chữ thập đỏ cấp tỉnh, thành và Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ lần thứ XI; triển khai Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” Xuân Nhâm Dần - 2022; “Tháng Nhân đạo” năm 2022; Chương trình Sức mạnh nhân đạo - 2022; Chiến dịch vận động Hiến máu tình nguyện dịp Tết và Lễ hội Xuân hồng tại các địa phương; Hướng dẫn triển khai Phong trào “Tết Nhân ái” và Kế hoạch triển khai phong trào Xuân Quý Mão 2023; triển khai các hoạt động cứu trợ các tỉnh, thành bị thiệt hại bởi thiên tai, bão lũ…
Tổng giá trị hoạt động của toàn Hội đạt trên 4.737 tỷ đồng, trợ giúp 18.791.307 lượt người có hoàn cảnh khó khăn.
"Công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ đạt nhiều kết quả quan trọng, được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận và đông đảo nhân dân đồng tình, ủng hộ. Uy tín của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong phong trào được nâng lên tạo thế và lực để Hội chữ thập đỏ Việt Nam khẳng định vị thế trong phong trào nhân đạo khu vực và toàn cầu", bà Bùi Thị Hoà khẳng định.
 


Cụ thể, tổng trị giá công tác xã hội nhân đạo năm 2022 của toàn Hội đạt trên 3.729 tỷ đồng, trợ giúp 9.086.512 lượt đối tượng. Trong đó, phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam" Xuân Nhâm Dần 2022, đã vận động và trao hơn 2,555 triệu suất quà tặng người nghèo và nạn nhân chất độc da cam và các hoạt động hỗ trợ khác (tặng sổ tiết kiệm, tặng nhà Chữ thập đỏ, tặng bò, hỗ trợ học bổng…) với tổng trị giá đạt trên 1.156 tỷ đồng.
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam triển khai Chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương" năm 2022, đã phân bổ 1,056 tỷ đồng xây dựng 19 căn nhà nhân đạo và hỗ trợ sinh kế cho 19 hộ gia đình được nhận nhà tại các tỉnh.
Hội nghị lần thứ hai Ban chấp hành Trung ương Hội khóa XI, nhiệm kỳ 2022-2027. 
Hoạt động của toàn Hội tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa trong năm 2022 đạt trên 131 tỷ đồng, trợ giúp 313.822 lượt người với các hoạt động như Chương trình An toàn cho ngư dân nghèo; theo dõi tình hình thiên tai, cập nhật báo cáo thiệt hại thiên tai và ứng phó kịp thời và hỗ trợ khẩn cấp các tỉnh, thành thiệt hại; Công tác phục hồi liên lạc gia đình…
Trị giá hoạt động của toàn Hội tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân trong năm 2022 đạt trên 498 tỷ đồng, trợ giúp 9.090.964 lượt người với các hoạt động như công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Công tác sơ cấp cứu và phòng tránh tai nạn thương tích, khám chữa bệnh nhân đạo và nước sạch, vệ sinh; Chương trình "Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật"; Công tác vận động Hiến máu tình nguyện, hiến mô, bộ phận cơ thể người…
Năm 2023, toàn hệ thống Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phấn đấu chăm lo, hỗ trợ 1 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 với tổng giá trị đạt 600 tỷ đồng; phấn đấu vận động trên 500 tỷ đồng để tổ chức, triển khai Tháng Nhân đạo năm 2023.

 


Nguồn tin: BBT sưu tầm