Hiến tặng mô, tạng – Cho đi là còn mãi

Đăng lúc: Thứ tư - 27/03/2024 01:18 - Người đăng bài viết: admin
Hiến tặng mô, tạng là việc làm nhân đạo, một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác. Việc làm này dựa trên tinh thần tự nguyện và cần tuân thủ theo quy định của pháp luật.

"Cho đi" để còn mãi
 
Các năm qua, trong nước đã có 8.220 người được ghép tạng; trong đó có 7.599 người được ghép thận, 531 người được ghép gan, 75 người được ghép tim và hàng ngàn người được ghép giác mạc. Theo Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, hiện cả nước đã có 25 trung tâm, đơn vị thực hiện ghép mô, tạng kéo dài từ Bắc vào Nam và đang vươn lên trở thành điểm sáng về ghép tạng của khu vực Đông Nam Á và Châu Á; các bác sĩ làm chủ được phẫu thuật ghép mô và bộ phận cơ thể người, kể cả những phẫu thuật ghép phức tạp như ghép gan, tim, phổi.

Ghép mô, tạng giúp đem lại sự sống cho các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được. Trong 14 năm qua, mới chỉ có 107 bệnh nhân chết não hiến tạng (2009 - 2023), trong đó có 59 ca được ghép tim, 6 ca ghép phổi, 88 ca ghép gan và 185 ca ghép thận.

Nhu cầu ghép tạng ở nước ta đang rất lớn, hiện trong danh sách chờ ghép quốc gia có hơn 5.000 ca, nhưng đây là con số rất nhỏ so với thực tế. Nhiều người ngày đêm vật lộn với sự sống để chờ đợi được ghép mô, tạng nhưng nguồn tạng hiến tặng còn rất hạn chế, chủ yếu từ nguồn hiến sống.

PGS.TS Đồng Văn Hệ - Giám đốc Trung tâm điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết: Tỉ lệ tạng hiến từ người chết não hiện quá ít. Hiện nhiều gia đình của những bệnh nhân chết não chưa hiểu hết được ý nghĩa của việc hiến tạng và luôn có mong muốn để người thân được chết toàn thây. Điều này liên quan đến vấn đề tâm linh, nhận thức của người Việt. Việt Nam đã có kỹ thuật chẩn đoán chết não, lấy được tạng của người chết não để ghép cho người cần. Nhưng cũng từ rất nhiều năm nay, số lượng người chết não hiến tạng chỉ xấp xỉ 10 người/năm.

Xác định nhiệm vụ vận động hiến mô, tạng, hiến bộ phận cơ thể người là việc làm khó, thời gian qua Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị đã tích cực tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia đăng ký hiến mô, tạng; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên các cấp Hội về công tác vận động hiến mô, tạng. Từ đó nhận thức về việc làm nhân văn này trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến tích cực, tạo hiệu ứng và lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 39 người đăng ký hiến mô, tạng và đã được cấp thẻ. Trong đó, Hội Chữ thập đỏ huyện Vĩnh Linh tiếp nhận 10 người đăng ký, Hội Chữ thập đỏ thành phố Đông Hà 10 người, Hướng Hóa 8 người, Gio Linh 5 người, Đakrông 3 người, Cam Lộ 2 người, Hải Lăng 1 người. Một người chết não hiến tạng có thể cứu sống cho hơn 10 người khác. Vì vậy, việc đăng ký hiến mô, tạng không chỉ thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc mà còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái cao cả.


Ông Lê Văn Hằng chia sẻ nguyện vọng hiến giác mạc của mình sau khi qua đời với Đài phát thanh và truyền hình Quảng Trị

Từ lâu, ấp ủ mong muốn chia sẻ với những số phận không hay có nguy cơ mất đi ánh sáng vì mắc bệnh lý về mắt, đến năm 2018, ông Lê Văn Hằng ở thôn Nam Phú xã Trung Nam chính thức tìm đến Hội Chữ thập đỏ huyện Vĩnh Linh để đăng ký hiến giác mạc của mình sau khi qua đời. Ông Hằng chia sẻ: “Nhận thức được tầm quan trọng của việc hiến mô, hiến tạng khi qua đời là một nghĩa cử thiêng liêng và cao quý, cuộc đời không ai biết trước được điều gì sẻ xảy ra, con người ai cũng phải ra đi, tâm huyết của tôi là sẽ góp một phần nhỏ trong cơ thể mình nếu các tổ chức, cá nhân yêu cầu, tôi sẵn sàng hiến tặng giác mạc của mình sau khi qua đời.”

Anh Châu Bá Trường – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh vừa là người tiên phong đăng ký hiến mô, hiến tạng vừa tích cực tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và mọi người xung quanh hiểu hơn về việc làm nhân văn này nhờ vậy mà thị trấn Bến Quan là đơn vị có số lượng người đăng ký hiến mô, hiến tạng cao nhất ở huyện Vĩnh Linh.

Chuyện hiến tạng giờ đây chẳng còn quá xa lạ hay “đáng sợ” với nhiều người, nó đã đi sâu vào nhận thức của mỗi người dân. Từ những câu chuyện cảm động về sự tự nguyện hiến mô, tạng như cô bé Hải An hơn 7 tuổi ở Hà Nội hiến tặng giác mạc sau khi qua đời vì căn bệnh ung thư, hai người mù đã được nhận giác mạc của bé sau ca ghép tại Bệnh viện Mắt T.Ư đều đã nhìn thấy ánh sáng trở lại. Hành động hiến tặng mô tạng thể hiện tình yêu của người ở lại với người ra đi.

Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người (Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia) là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập có nhiệm vụ chính trong việc điều phối việc lấy, ghép mô, tạng để cứu chữa người bệnh theo đúng quy định của pháp luật và đạo đức. Một người chết/chết não có thể hiến được các mô, tạng sau: 01 quả Tim, 01 lá Gan, 02 quả Thận, 01 Tụy, 02 lá phổi, 02 giác mạc, da, xương, gân, sụn… Người khi còn sống có thể hiến: 01 lá gan hoặc một phần của lá gan; 01 quả thận, da, xương...

Ngoài ý nghĩa cao đẹp, người đã hiến mô (khi còn sống) được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến mô tại cơ sở y tế. Người hiến mô sau khi chết (giác mạc): Người hiến giác mạc sẽ được tôn vinh, gia đình người hiến giác mạc sẽ được trao tặng bằng ghi nhận nghĩa cử cao đẹp. Thân nhân người hiến tặng giác mạc sẽ được ưu tiên trong khám, chữa mắt và đặc biệt được ưu tiên ghép giác mạc trong trường hợp họ bị mắc bệnh về giác mạc và cần phải ghép thay thế. Người hiến tạng khi còn sống sẽ được chăm sóc, phục hồi sức khoẻ miễn phí ngay sau khi thực hiện việc hiến tạng tại cơ sở y tế và được khám sức khỏe định kỳ miễn phí. Được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Được ưu tiên ghép mô, tạng khi có chỉ định ghép của cơ sở y tế. Được tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân. Người đã hiến tạng sau khi chết, chết não, hiến xác được truy tặng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân.

Đăng ký (hoặc gửi hồ sơ) thông qua Hội Chữ thập đỏ
Bước 1: Hội Chữ thập đỏ cấp huyện tiếp nhận hồ sơ (hoặc hướng dẫn viết đơn đăng ký hiến, tặng mô, tạng; chụp ảnh chân dung; chụp ảnh chứng minh nhân dân).
Bước 2: Hội cấp huyện lập danh sách kèm theo hồ sơ gửi về tỉnh Hội.
Bước 3: Tỉnh Hội lập danh sách gửi về Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia - Bộ Y tế (40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội: Tầng 2, nhà C2, Bệnh viện Việt Đức).
Bước 4: Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia gửi thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng cho người đăng ký hiến mô, tạng.

Trường hợp người hiến đăng ký trực tiếp
Người đăng ký trực tiếp gửi hồ sơ về Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia - Bộ Y tế (40 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội: Tầng 2, nhà C2, Bệnh viện Việt Đức) được cấp thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng (Hotline: 091.5060550 hoặc 024.39386693).

Để Phong trào hiến mô, tạng trên địa bàn tỉnh được lan tỏa mạnh hơn nữa, mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ cần tuyên truyền sâu rộng đến người dân về nghĩa cử cao đẹp và những quyền lợi của người đăng ký tự nguyện hiến mô, tạng. Góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ của người làm công tác Hội.

Ban PT
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Văn bản mới ban hành

Thông báo mới

Hình ảnh hoạt động

Gửi bài viết
Trang TTĐT tỉnh Quảng Trị
facebook
Công báo tỉnh Quảng Trị
Báo Nhân đạo và Đời sống
WebsiteTW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Tết Vì người nghèo và NNCĐ da cam
Dự án Bom mìn
Mag

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 151
  • Hôm nay: 28137
  • Tháng hiện tại: 769432
  • Tổng lượt truy cập: 34047253

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Liên tục được cải tiến, sửa đổi bởi cả thế giới.

Được sử dụng miễn phí không mất tiền.

Được tự do khám phá, sửa đổi theo ý thích.

Phù hợp để học tập, nghiên cứu vì được tự do sửa đổi theo ý thích.

Có bao nhiêu phương án trả lời giống bạn?