Hiến máu tình nguyện, nét đẹp trong đời sống xã hội

Đăng lúc: Thứ năm - 09/04/2015 21:48 - Người đăng bài viết: admin
Ai cũng biết, máu là một sản phẩm cần cho cấp cứu, chữa bệnh và phòng ngừa thảm họa mà không một loại dược phẩm nào thay thế được. Những năm trước đây, để có máu truyền cho người bệnh, các bệnh viện thường phải mua máu của những người bán máu chuyên nghiệp. Việc truyền máu cho bệnh nhân bằng máu của những người bán máu chuyên nghiệp độ rủi ro lớn, vì không kiểm soát được tình trạng sức khỏe của người bán máu. Vì vậy, từ năm 1993, Việt Nam triển khai hoạt động hiến máu tình nguyện. Đến năm 2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 74/QĐ-TTg ngày 7/4 phát động toàn dân hiến máu nhân đạo và ngày 7/4 được chọn là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện.
Tuổi trẻ Quảng Trị tham gia hiến máu nhân đạo -Ảnh: THÀNH DŨNG

Tuổi trẻ Quảng Trị tham gia hiến máu nhân đạo -Ảnh: THÀNH DŨNG

    Mục tiêu chung đặt ra là toàn bộ lượng máu thu được phải từ những người hiến máu tình nguyện. Chỉ có người hiến máu tình nguyện mới là người hiến máu an toàn; và chỉ có người hiến máu an toàn mới có được những đơn vị máu có chất lượng. Trong cơ thể người khỏe mạnh, các thành phần của máu chỉ tồn tại trong thời gian nhất định, chúng luôn được thay thế nhờ vào quá trình sinh máu và cơ chế điều hòa sinh máu của cơ thể. Vì thế, hiến máu theo hướng dẫn của bác sĩ thì hoàn toàn không có hại cho sức khoẻ. Lượng máu trong cơ thể tương đối hằng định, trung bình là 77 ml/kg cân nặng đối với nam và 66 ml/kg cân nặng đối với nữ nhờ quá trình điều hòa sinh máu. 

    Một người trưởng thành, khỏe mạnh nếu hiến lượng máu không quá 1/13 lượng máu trong cơ thể thì hoàn toàn không có hại cho sức khỏe. Những người khỏe mạnh, với nam từ 18 đến 60 tuổi, cân nặng trên 45 kg, với nữ tuổi từ 18 đến 55, cân nặng trên 40 kg, không có hành vi nguy cơ nhiễm HIV/ AIDS và các bệnh lây qua đường máu đều có thể tình nguyện đăng ký tham gia hiến máu nhân đạo. Mỗi lần hiến một đơn vị máu (một đơn vị tương đương 250 ml), những người hơn 50 kg có thể hiến 350 ml hoặc 450 ml/lần (mỗi lần hiến dưới 9ml máu/kg). Người hiến máu tình nguyện được cấp giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện của Ban chỉ đạo hiến máu nhân đạo tỉnh, thành phố. Ngoài giá trị về mặt tôn vinh, giấy chứng nhận hiến máu có giá trị bồi hoàn máu, số lượng máu được bồi hoàn lại tối đa bằng lượng máu người hiến máu đã hiến. Giấy chứng nhận này có giá trị tại các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập trên toàn quốc và có giá trị suốt đời người hiến máu. 

    Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một nước bảo đảm an toàn truyền máu cần đạt được tỷ lệ 2% người tham gia hiến máu, trong khi đó ở nước ta tỷ lệ này mới 1,2% dân số (năm 2014) và chỉ mới đáp ứng được 60% nhu cầu cấp cứu và điều trị , nghĩa là có 40% số người cần máu đã mất cơ hội để có một cuộc sống như chúng ta. 

    Tại Quảng Trị, phong trào hiến máu nhân đạo được khởi xướng từ những năm 1993. Tuy nhiên lúc đó chỉ là tự phát và chủ yếu là tập trung hiến máu cấp cứu tại các bệnh viện có điều kiện kỹ thuật như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải, Bệnh viện Vĩnh Linh hoặc tuyên truyền nhân Ngày hiến máu tình nguyện 6/1 (theo Quyết định của Bộ Y tế). Từ năm 2000, khi Thủ tướng Chính phủ có quyết định lấy ngày 7/4 hàng năm là Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện, phong trào hiến máu tình nguyện có sự chuyển biến mới. 

    Nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho người dân đã được tổ chức như tập huấn cho các tuyên truyền viên, tổ chức các buổi truyền thông, hội thi, phát hành tờ rơi, làm pa nô, áp phích, mit tinh, diễu hành, tổ chức các hoạt động tôn vinh người hiến máu tình nguyện. Tuy nhiên phong trào lúc đó cũng chỉ ở bề nổi và chỉ tập trung ở một số đơn vị có điều kiện như Đông Hà, thị xã Quảng Trị. Phong trào thực sự trở thành phong trào của đông đảo quần chúng phải đến năm 2008, khi Ban chỉ đạo vận động hiến máu tỉnh được thành lập theo Quyết định của UBND tỉnh và phong trào ngày càng thu được những kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của nhân dân và cả hệ thông chính trị. 

    Ði liền với sự lớn mạnh của phong trào thì lượng máu tiếp nhận được ngày càng tăng, địa bàn ngày càng rộng, đối tượng hiến máu ngày càng nhiều, chất lượng máu ngày càng cao. Nếu năm 2009, tổng số máu thu được là 2.341 đơn vị máu thì đến năm 2014 đã đạt 7.156 đơn vị (tăng gấp 3 lần), đó là sự lan toả lớn. Nếu trước đây người tham gia hiến máu chủ yếu là hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ thì nay đủ các thành phần giới. Nếu trước đây chỉ tổ chức ở thành phố, thị xã thì nay đã đến tận nông thôn, miền núi. Nếu trước đây chỉ tổ chức ở các huyện, thị xã, thì nay đã tổ chức hiến máu tại cơ sở xã, phường. Nếu trước đây hiến theo kế hoạch của đơn vị giao thì nay đã xuất hiện nhiều người/đơn vị đăng ký tình nguyện. Nếu năm 2009 hiến máu cao nhất trong một đợt là 264 người thì năm 2014 là 438 người. Nhiều người hiến máu nhiều lần trong đời đã trên 20 lần, trong năm trên 3 lần và ngày càng xuất hiện nhiều gia đình, vợ chồng cùng tham gia hiến máu trong một đợt, tạo nên sự thu hút mạnh mẽ, sự lan toả ngày càng đông. 

    Một hướng ưu tiên mới của phong trào hiến máu tình nguyện thời gian tới là xây dựng lực lượng hiến máu dự bị thực chất và hiệu quả. Ðây là những người có đủ sức khỏe, đăng ký hiến máu tự nguyện, sẵn sàng tham gia bất cứ lúc nào người bệnh cần. Ðội ngũ những người hiến máu dự bị sẽ tạo ra được một ngân hàng máu sống cho chính địa phương, đơn vị đó có thể huy động trong trường hợp cần truyền máu khẩn cấp khi xảy ra tai nạn, thảm họa cần truyền máu với số lượng lớn. 

    Phong trào hiến máu nhân đạo thật sự phát triển bền vững khi các hoạt động hiến máu không chỉ diễn ra vào dịp Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4. Chỉ tiêu đặt ra trong năm 2015 là tiếp nhận được 8.500 đơn vị máu, tỷ lệ người hiến máu tự nguyện đạt 100%, người hiến máu nhắc lại đạt trên 60% và 1,2% lượt hiến máu tình nguyện so với dân số tham gia hiến máu và đến năm 2020 mới thể đạt được 2% dân số tham gia hiến máu như sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện. 

    Máu là một loại thuốc điều trị đặc biệt và chỉ có thể được lấy từ người tình nguyện khỏe mạnh. Vì vậy, hiến máu cứu người là nghĩa cử nhân ái cao đẹp của mọi người dân ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Năm 2015, Ngày quốc tế tôn vinh người hiến máu (14/6) đã chọn chủ đề: “Cảm ơn bạn vì đã cứu cuộc đời tôi” nhằm tiếp tục vận động, khuyến khích sự quan tâm, vào cuộc của các tầng lớp xã hội, các cơ quan, đơn vị và cộng đồng cũng như nhấn mạnh trách nhiệm chung của cộng đồng đối với sự sống của người bệnh cần máu. 
 
    Mong rằng sẽ có thêm nhiều người tình nguyện hiến máu, để phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh ngày càng bền vững, trở thành nét đẹp trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị và phòng ngừa thảm họa. 
               
                                 CÁP KIM LIÊM
 (Phó Thường trực Ban CĐVĐ HMTN tỉnh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh)

(Nguồn trích: Báo Quảng Trị)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Văn bản mới ban hành

Thông báo mới

Hình ảnh hoạt động

Gửi bài viết
Trang TTĐT tỉnh Quảng Trị
facebook
Công báo tỉnh Quảng Trị
Báo Nhân đạo và Đời sống
WebsiteTW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Tết Vì người nghèo và NNCĐ da cam
Dự án Bom mìn
Mag

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 144
  • Hôm nay: 20113
  • Tháng hiện tại: 761408
  • Tổng lượt truy cập: 34039229

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Liên tục được cải tiến, sửa đổi bởi cả thế giới.

Được sử dụng miễn phí không mất tiền.

Được tự do khám phá, sửa đổi theo ý thích.

Phù hợp để học tập, nghiên cứu vì được tự do sửa đổi theo ý thích.

Có bao nhiêu phương án trả lời giống bạn?