Người “vác tù và” ở thôn Thi Ông

Đăng lúc: Thứ năm - 28/05/2015 22:12 - Người đăng bài viết: admin
(QT) - Người dân thôn Thi Ông đã quá quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông luống tuổi thường xuyên chăm chỉ quét dọn giữ vệ sinh trên chiếc cầu bề thế mới được bắc qua dòng sông Vĩnh Định. Cũng người đàn ông ấy, ròng rã hàng chục năm nay đã kết nối, vận động những tấm lòng thiện nguyện khắp nơi để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Nhiều người bảo ông là “người vác tù và” đáng mến, “ông Bụt của người nghèo”. Đó là ông Võ Đình Hương, năm nay tròn 71 tuổi, ở thôn Thi Ông, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng (Quảng Trị).
Người quét cầu tình nguyện 

Từ năm 2011, khi cây cầu Thi Ông mơ ước của người dân nơi đây nối đôi bờ cách trở, đưa vào sử dụng thì cũng là lúc ông Hương tình nguyện làm người quét cầu. Về việc này, ông Hương tâm sự: “Nhà tôi ở ngay gần cây cầu, thấy cầu làm xong ai cũng mừng. Tuy nhiên, ban đầu ý thức của một số người dân chưa cao, họ xả rác bừa bãi, rồi trâu bò phóng uế tạo nên cảnh nhếch nhác, mất vệ sinh. Thấy vậy, tôi liền đứng ra tình nguyện quét cầu mỗi khi thấy bẩn. Tôi làm việc này với mong muốn giữ gìn cây cầu của quê mình sạch đẹp, cũng như nhắn nhủ người dân cùng chung tay bảo vệ môi trường trong lành”. Đã hơn 4 năm nay, bất kể nắng mưa, mỗi lúc thấy cầu bẩn là ông Hương lại lụi cụi xách chổi ra dọn dẹp vệ sinh, nhặt nhạnh từng cọng rác để làm cho cây cầu trở nên sạch đẹp hơn. Một số người dân ban đầu thấy ông làm vậy tặc lưỡi bảo ông rỗi việc, già rồi không lo nghỉ ngơi mà làm những việc đâu đâu. Nhưng dần dần, họ thấy ông làm thiệt tình, không nề hà khó nhọc thì cảm mến rồi cùng chung tay dọn dẹp mỗi khi cây cầu quá bẩn, nhiều rác thải. 



Ông Hương (bên phải) trao quà cho một hộ nghèo ở xã Hải Vĩnh
 
Nhiều người dân sống ở gần cầu Thi Ông mà chúng tôi gặp chân tình cho biết: “Bác Hương là người mẫu mực, được người dân địa phương hết sức kính trọng. Bởi không chỉ tình nguyện quét cầu hàng ngày mà từ hàng chục năm nay ông còn làm biết bao nhiêu việc nghĩa khác để giúp đời, giúp người. Thời buổi bây giờ mà có người như bác Hương quả thật rất hiếm”. Những ngày này, ông Hương lại tất bật dọn dẹp vệ sinh cho cây cầu, bởi vì ở quê đang bước vào vụ thu hoạch lúa. “Mấy bữa nay công việc của tôi nhiều hơn. Tranh thủ nắng ráo, người dân đổ lúa, rơm rạ ra cầu để phơi phóng. Cũng thông cảm cho họ vì đang mùa vụ nhưng vì rơm rạ, bụi bặm sót lại nhiều quá nên mình phải dọn cho sạch”, ông Hương bày tỏ thêm. Ngoài việc quét cầu, ông còn thường xuyên nhắc nhở người dân, thanh thiếu niên, các em học sinh mỗi khi tụ tập trên cầu không được xả rác bừa bãi cũng như chạy xe cẩn thận, vui chơi an toàn. Ban đầu có người khó chịu nhưng rồi dần dần ai cũng hiểu và làm theo. Nhờ tâm sức của ông mà cây cầu Thi Ông vắt ngang dòng sông Vĩnh Định được giữ gìn sạch đẹp, là địa điểm trong lành cho mọi người vui chơi mỗi buổi chiều. 

Nói về việc tình nguyện quét cầu của mình, ông chỉ cười hiền và bảo: “Thay vì tập thể dục thì tôi chọn việc quét cầu, đó cũng là cách để giữ gìn sức khỏe. Tôi sẽ tiếp tục phần việc của mình đến lúc nào sức khỏe không cho phép mới thôi. Chỉ mong sao ngày càng có nhiều người hiểu và chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, không chỉ riêng ở cây cầu này mà cả những nơi khác như đường làng, ngõ xóm, vườn nhà”. 



Ông Hương (đội mũ) cùng các sư thầy chuẩn bị phát gạo cho người nghèo trên địa bàn huyện Hải Lăng
 
35 năm dốc lòng vì việc nghĩa 

Ở huyện Hải Lăng, ông Hương được xem là người nổi tiếng làm việc nghĩa, là “địa chỉ đỏ” của người nghèo, có hoàn cảnh bất hạnh, bởi gần 35 năm nay, ông gắn bó đời mình với công tác thiện nguyện giúp đời. Bắt đầu từ năm 1981, ông đảm nhận công tác tại Hội Chữ thập đỏ xã Hải Vĩnh. Trước đó ông đã từng trải qua rất nhiều công việc như giáo viên, nhân viên thú y. Ở công việc nào ông cũng làm rất tốt, được nhiều người nể trọng, cảm kích. Chính cách làm từ thiện nhiệt tâm, khách quan, uy tín và đầy tinh thần trách nhiệm của ông đã khiến cấp trên cũng như các tấm lòng hảo tâm khắp nơi nhiệt tình ủng hộ. Trên cương vị công tác của mình, ông lặn lội đến các gia đình khó khăn, bất hạnh để khảo sát, xác minh đối tượng thực sự cần giúp đỡ và lập danh sách để cấp trên hỗ trợ. Ngoài việc được giao, cá nhân ông còn tự vận động được rất nhiều tấm lòng hảo tâm, bạn bè gần xa chung tay hướng về quê hương mỗi khi xảy ra thiên tai hay có những hoàn cảnh thương tâm cần giúp đỡ. 

Khoảng năm 1998, ông đứng ra vận động kêu gọi người bạn là ông Hoàng Nguyên Hào, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo học giỏi xuất sắc, giáo viên dạy giỏi xuất sắc ở xã Hải Vĩnh. Việc hỗ trợ này duy trì liên tục từ đó đến nay đã 17 năm. Theo đó, mỗi năm, ông Hào hỗ trợ 5 suất cho giáo viên dạy giỏi xuất sắc (hiện nay mức từ 800.000 đồng-1 triệu đồng/ suất); 10 suất dành cho học sinh giỏi xuất sắc (700.000 đồng/suất). Ông Hương cho biết, hiện ông Hào có ý định tiếp tục hỗ trợ mỗi năm từ 3-4 suất học bổng cho học sinh giỏi ở thôn Lương Chánh, xã Hải Vĩnh. Hay như khoảng giữa năm 2014, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, một tấm lòng hảo tâm tên Dung ở Hà Nội đã chủ động liên hệ với ông Hương để hỗ trợ 50 suất/năm (trị giá 150.000 đồng) cho đối tượng nghèo ở một số xã của huyện Hải Lăng. Hiện bà Dung cũng đang cam kết duy trì các suất quà này trong những năm tới. “Tất cả sự hỗ trợ của các tấm lòng hảo tâm, mạnh thường quân ở khắp nơi đều đã đến đúng đối tượng người nghèo, những mảnh đời bất hạnh. Niềm vui của người nghèo cũng là niềm vui của tôi. Với gia đình bình thường thì có thể không ý nghĩa, nhưng đối với người nghèo, gia đình bất hạnh thì mỗi ký gạo, mỗi tấm áo đều quý lắm”, ông Hương nhắn nhủ. Ngoài những người thông qua ông Hương để hỗ trợ lâu dài, thì quãng đời làm từ thiện của mình, ông Hương không thể nhớ đã trực tiếp vận động biết bao nhiêu phần quà ý nghĩa khác kịp thời hỗ trợ cho người nghèo bất hạnh, người dân gặp khốn khó khi xảy ra hoạn nạn… 



Ông Hương (thứ nhất từ trái sang) đọc danh sách cấp phát gạo của các tấm lòng hảo tâm cho người nghèo
 
Không chỉ vận động từ bên ngoài, với đồng lương của một nhân viên thú y 2-3 triệu đồng mỗi tháng cũng được ông dành dụm làm việc nghĩa. Hễ trong thôn xã có người đau ốm nặng, người gặp hoạn nạn hay có em học sinh nào đỗ đại học, cao đẳng thì ông đều tìm đến thăm hỏi, động viên bằng ít tiền hay chí ít là cân đường, hộp sữa. Bởi thế, dân trong xã, trong thôn từ già đến trẻ đều trân quý ông bởi cái tình và tấm lòng hào phóng. “Cũng may vợ con đều hiểu, lại nhiệt tình ủng hộ nên tôi mới có thời gian, dồn hết tâm sức để làm công việc mà mình đã nguyện gắn bó. Với tôi việc giúp đỡ được gì đó cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh có được niềm vui là thấy hạnh phúc lắm rồi”, ông Hương tâm sự khi chia tay chúng tôi. 
(Theo Báo Quảng Trị)
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Ý kiến bạn đọc

 

Văn bản mới ban hành

Thông báo mới

Hình ảnh hoạt động

Gửi bài viết
Trang TTĐT tỉnh Quảng Trị
facebook
Công báo tỉnh Quảng Trị
Báo Nhân đạo và Đời sống
WebsiteTW Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Tết Vì người nghèo và NNCĐ da cam
Dự án Bom mìn
Mag

Thống kê lượt truy cập

  • Đang truy cập: 114
  • Khách viếng thăm: 113
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 35993
  • Tháng hiện tại: 750940
  • Tổng lượt truy cập: 34028761

Thăm dò ý kiến

Bạn quan tâm gì nhất ở mã nguồn mở?

Liên tục được cải tiến, sửa đổi bởi cả thế giới.

Được sử dụng miễn phí không mất tiền.

Được tự do khám phá, sửa đổi theo ý thích.

Phù hợp để học tập, nghiên cứu vì được tự do sửa đổi theo ý thích.

Có bao nhiêu phương án trả lời giống bạn?